TIN TỨC

2019.07.22

ĐỨA BÉ NHẶT RÁC Ở VN GIỜ ĐÃ TRỞ THÀNH CHA ĐẺ MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI

Từ đứa trẻ nhặt rác đến ‘cha đẻ’ máy bay không người lái

Câu chuyện đổi đời của đứa trẻ nhặt rác ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được tám trường đại học hàng đầu của Mỹ cấp học bổng đào tạo tiến sĩ trở về mở nhà máy sản xuất máy bay không người lái đầu tiên tại Việt Nam.

Người có thể nói rành mạch nhất về công nghệ máy bay không người lái (Drone), tiềm năng ứng dụng vào các lĩnh vực dân dụng hay cơ hội phát triển của Drone tại Việt Nam… không ai khác chính là TS. Lương Việt Quốc. Cậu bé nhặt rác ngày nào ở kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đã làm cuộc đổi đời thần kỳ, biến khát vọng của đời mình thành hiện thực với dự án khởi nghiệp đầy mạo hiểm.

Quốc sinh ra ở Sài Gòn, trải qua một tuổi thơ sống không phương hướng, lam lũ, tơi tả với công việc bới rác trên dòng kênh. Chín chị em chen chúc nhau như cây dại trong căn chòi 10m2 cất tạm trên rạch, trời mưa nước tuôn khắp nhà, lạnh lẽo cũng thua cái đói, đói thường xuyên, muối cũng phải đi xin hàng xóm. Lúc ấy, giấc mơ lớn nhất của anh chỉ là làm sao kiếm được việc làm mà ông chủ cho mình ăn no tùy thích, chứ không hình dung làm là có lương.

Chuyện học của anh cũng như con nước, sống trong một xóm lao động nghèo, đứa trẻ nào cũng như vậy cả, chỉ có một điều may mắn là không bị nghỉ học giữa chừng thôi. Bà nội chính là người thúc giục anh phải học hành tới nơi tới chốn, vì thương bà nên anh đã ráng theo đuổi học hành.

Tuy cố gắng học nhưng với hoàn cảnh ăn còn không đủ, lay lắt vì đói đó, chẳng bao giờ anh nghĩ mình sẽ có cơ hội bước vào giảng đường đại học nói gì đến du học hay “Giấc mơ Mỹ”. Với nghị lực và một ý chí sống không khuất phục, kiên trì rèn luyện tiếng Anh, anh tốt nghiệp Trường trung học Tài chính TP.HCM hệ tại chức (hiện là Trung học Kinh tế TP.HCM) rồi làm việc cho chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc. Khi học bổng Fulbright bỏ điều kiện phải tốt nghiệp đại học chính quy, đó là cơ hội duy nhất để anh đến với giấc mơ Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp ngành thạc sĩ kinh tế học của trường đại học Cornell với luận án xuất sắc, anh đã được tám trường đại học tổ chức hàng đầu về đào tạo kinh tế nông nghiệp của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ gồm Cornell, Berkeley, US Davis, Maryland… Trong đó Maryland đã hai lần gửi thư để nâng mức học bổng từ 30.040 USD/năm lên 37.168 USD/năm nhằm “cạnh tranh” khi biết anh đang được “săn”.

Sự xót xa đối với nghèo đói và ước muốn về đôi cánh bay lên cho những số phận chưa may mắn ấy đã khiến anh bằng mọi cách phải làm được điều gì đó cho quê hương. Là chuyên gia công nghệ nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng robot trong sản xuất tại Mỹ, anh chính là người đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) để mở nhà máy sản xuất Drone đầu tiên tại Việt Nam.

Anh Quốc cho biết, xu hướng ứng dụng máy bay không người lái vào kinh doanh sản xuất và cuộc sống đang làm thay đổi mọi tư duy và hành động của con người. Ứng dụng Drone hiện nay đang mở rộng đến vô tận. Trong nông nghiệp nhất là trên phạm vi canh tác rộng lớn, Drone giúp chẩn đoán sớm, kiểm soát bệnh và sức khỏe của cây trồng nhằm can thiệp sớm, bảo đảm năng suất cao hơn.

Ứng dụng Drone vào ống dẫn gas trong ngành dầu khí, giúp tiết giảm chi phí rất nhiều. Drone giúp kiểm đếm hạ tầng hay trong khai thác hầm mỏ, Drone tính được thể tích với độ chính xác cao. Drone cũng ứng dụng rất tốt trong bảo vệ môi trường, trồng rừng, vận chuyển hàng khẩn cấp, cấp cứu, báo chí, phim ảnh… Hiện đã có một số trường đại học dạy ngành máy bay không người lái. Ngành viễn thông cùng đã áp dụng máy bay không người lái, khi di tản lũ lụt trên quy mô lớn cần theo dõi thì máy bay không người lái cũng là phương tiện.

Theo ước tính của một công ty kiểm toán toàn cầu, dịch vụ Drone toàn cầu khoảng 127 tỷ USD vào năm 2020, trong đó lớn nhất là hạ tầng, nông nghiệp, vận tải, an ninh, truyền thông, bảo hiểm, viễn thông, khai thác mỏ…

Đối với Mỹ, lợi ích Drone đã vượt chi phí. Công ty chuyên tích hợp ảnh từ Drone đã có 50 công ty sử dụng dịch vụ của họ. Hiện nay ở Trung Quốc, chỉ tính riêng Thâm Quyến đã có hơn 300 công ty làm Drone còn ở Việt Nam con số này đếm chưa hết đầu ngón tay.

Quốc cho rằng Drone cũng giống như Internet trước đây, ban đầu chúng ta rất ngần ngại nhưng bây giờ nó đã trở thành phổ biến. Người Việt Nam chắc chắn sẽ dùng Drone. Việt Nam có nguồn IT phong phú, nhu cầu bảo mật nên không dùng Drone của Trung Quốc. Yếu tố bảo mật là nhu cầu tự nhiên, đòi hỏi phải có sự tham gia của các công ty nội địa.

Anh Quốc cho rằng vấn đề là làm sao người giữ trọng trách của đất nước phải thấy sự phát triển của Drone là tất yếu, giảm chi phí, gia tăng sản xuất trong nhiều ngành? Làm sao bảo đảm an toàn hàng không mà vẫn khuyến khích Drone phát triển, khi số lượng Drone tăng cao lên đến hàng triệu con cũng là thách thức, phải có đào tạo, huấn luyện.

Hạ tầng mạng 3G có thể đáp ứng đủ cho hệ thống Drone. Về ứng dụng, Việt Nam đã có thông tư chính thức của Bộ Quốc phòng, nếu bay từ 50m trở xuống cách sân bay 5 -7 km thì xin giấy phép từ Bộ chỉ huy quân sự huyện. Nếu trên 50m thì xin Bộ chỉ huy quận sự tỉnh, thành phố. Ví dụ như nông trường mía TTC rộng mấy ngàn ha, phương tiện hợp lý sử dụng máy bay cánh bằng, 1 giờ có thể phủ 5-10 ngàn ha.

Chia sẻ về quyết định trở về và khởi nghiệp với một nhà máy sản xuất Drone đầu tiên tại Việt Nam, anh Quốc cho biết: “Với vốn đầu tư ban đầu khoảng 13,5 triệu USD, thuê hơn 9.000m2 trong khu công nghệ cao của TP.HCM, được ưu đãi về thuế, nguyên liệu nhập về cũng được hưởng lãi suất ưu đãi. Nhà máy có khu vực thử nghiệm Drone trong nhà, ngoài trời, làm cả phần cứng và phần mềm. Đội ngũ có một số anh em bên Mỹ kết nối cùng làm nhưng phần lớn trông cậy vào anh em trong nước. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài năng trong lĩnh vực công nghệ của giới trẻ Việt Nam, đội ngũ chất xám trẻ của Việt Nam sẽ tiếp sức cho tôi trong thử thách lớn này”.

“Tất cả những điều họ cần là bài toán mang lại giá trị và các nguồn lực đầy đủ để họ giải bài toán đó. Hơn nữa, chính sách ưu đãi đầu tư vào SHTP và đặc biệt là sự nhiệt tình, ủng hộ của Ban Quản lý SHTP đã khiến tôi tự tin hơn với dự án này”, anh Quốc nhận định.

CEO Real Time Robotics Inc cho biết lý do khiến anh quyết định khởi nghiệp ở tuổi này với một dự án đầy mạo hiểm và còn rất mới lạ ở Việt Nam như Drone bởi đây là ngành có tiềm năng ứng dụng lớn vào nhiều lĩnh vực. Thứ hai, Việt Nam cần có công nghiệp Drone của riêng mình vì nhiều ứng dụng trong thực thi pháp luật, kiểm lâm, kiểm định hạ tầng…

Tham vọng trở thành một chuyên gia phát triển kinh tế nông nghiệp ngay trên đất nước mình đã được Quốc nuôi nấng từ khi học đại học Cornell. Luận án “Phân tích việc trồng cà phê ở Việt Nam” của anh nhằm lý giải vì sao chỉ trong vòng 10 năm Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất cà phê cao thứ hai trên thế giới nhưng doanh thu từ cà phê vẫn thấp.

Anh Quốc cũng đã từng cùng bạn bè hùn làm một rẫy cà phê và chẳng đi đến đâu bởi cũng giống như những người nông dân trước kia thường đầu tư theo hi vọng “thơ ngây”, khi cả thế giới được mùa cà phê, cung vượt cầu nhưng nông dân vẫn không nỡ đốn bỏ cả vườn cây. Họ cứ trồng đến mức lỗ không còn gì mới ngưng trồng. Những chính sách từng có cho cà phê đã thật sự thất bại.

Trước làn sóng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra trên toàn cầu, khát vọng đổi thay cho bản thân và đất nước chính là động lực khiến anh dấn thân và tận hiến cho cuộc cách mạng công nghệ còn đầy gian truân ở Việt Nam. Quốc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt phải mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và ứng dụng, cộng đồng nghiên cứu và ứng dụng của Việt Nam càng lớn thì càng có thể hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn.

“Hãy sống tử tế, biết hàm ơn, biết chia sẻ. Cuộc đời luôn phải đối diện với những khó khăn, dù biết phía trước còn rất nhiều thử thách nhưng tôi là người rất lạc quan, không sợ thất bại. Đối diện với những cú sốc, ngay lúc ấy mình có thể thấy như đất trời sụp đổ nhưng 5 năm sau nhìn lại, thấy nó rất nhỏ. Bình tĩnh là cách đầu tiên để tìm ra phương án giải quyết”, anh tâm sự.

Back to list